Thắng cảnh nghỉ mát của vua chúa triều đại cuối cùng của Trung Quốc nằm ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 255 km. Thừa Đức bốn bề núi non bao bọc, có một đoạn Trường Thành như một con trăn khổng lồ uốn lượn trên đỉnh Kim Sơn Lĩnh.
Đoạn Trường Thành còn giữ được khá nguyên vẹn này có tên là Trường Thành Kim Sơn Lĩnh. Một du khách đã miêu tả: “Kim Sơn Lĩnh vô cùng hùng vĩ. Đứng từ trên nhìn xuống, đồi núi nhấp nhô trùng điệp như biển, Trường Thành hun hút vươn xa rất có khí thế”.
Tại đây, du khách có thể nhìn thấy những viên gạch tường có khắc văn tự, qua đó có thể biết đội quân thời nào xây dựng và vào thời gian nào. Trên Trường Thành còn xây một số tháp canh bề ngoài trông rất kỳ dị. Tháp canh gồm hai tầng, tầng dưới có thể chứa 60-70 người, còn tầng trên là một gian nhà nhỏ dành cho lính canh.
Vua chúa triều nhà Thanh sống ở Bắc Kinh rất say mê đi săn bắn ở thảo nguyên phía bắc Trường Thành, mà Thừa Đức là một nơi nằm ở giữa Bắc Kinh và miền thảo nguyên. Hơn nữa, nơi đây lại có non xanh nước biếc, đông ấm hè mát, nên hoàng đế nhà Thanh đã cho xây cung điện và viên lâm tại đây, khiến Thừa Đức trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa nữa sau Bắc Kinh.
Khu sơn trang nghỉ mát Thừa Đức rộng 5,6 triệu m2, là hành cung của hoàng đế Thanh ở ngoại vi phía bắc Thừa Đức. Một dãy tường cao uốn lượn chạy thẳng đến tận chân núi vây gọn cả sơn trang, khiến nó trông chẳng khác nào một ngôi thành cổ, tạo cho ta biết bao mối liên tưởng. Bước vào sơn trang, đâu đâu cũng là cổ thụ cành lá sum suê, cung điện nằm rải rác, với ngói lưu ly màu sắc tươi tắn, góc mái hiên cong vút, lại càng gợi lên sự phồn hoa của năm xưa.
Sơn trang này do ba đời vua triều nhà Thanh xây dựng, trải qua 87 năm mới xây xong, bên trong gồm hơn 120 tòa kiến trúc như: lầu, đình, miếu, tháp, hành lang, cầu… Sơn trang được chia thành khu cung điện, khu núi non, khu hồ nước và khu đồng bằng. Khu cung điện là hình ảnh thu nhỏ của Cố Cung Bắc Kinh, chỉ chiếm 3% diện tích của sơn trang. Trong vườn có nhiều cảnh quan non nước và phong cảnh thiên nhiên.
Khu cung điện nằm ở phía nam sơn trang, là nơi hoàng đế nhà Thanh xử lý chính vụ, tổ chức đại lễ và hội kiến sứ thần các nước, đồng thời cũng là chỗ ở của nhà vua. Hiện nay, du khách tới đây vẫn có thể nhìn thấy người thời nay mặc tuồng phục và biểu diễn những sự tích về hoàng gia.
Khu hồ nước nằm ở hướng bắc khu cung điện, mặt nước rộng gần 30 ha sóng biếc lăn tăn, do bờ đê và các đảo nhỏ chia thành hồ, những kiến trúc kiểu phương nam xinh đẹp và nhiều vẻ khác nhau nằm rải rác bên bờ hồ. Từ khu hồ lại đi lên hướng bắc thì đến khu đồng bằng và khu núi.
Khu đồng bằng cỏ mọc tốt tươi, cổ thụ cao ngất. Còn trong khu núi thì đỉnh núi nhấp nhô, biển rừng vươn xa tít tắp. Cảnh sắc trong vườn đã thể hiện được đặc điểm phong cảnh đa dạng của Trung Quốc, nên khi dạo bước trong sơn trang này, ta thật chẳng khác nào đã đi du lịch khắp Trung Quốc.
Sơn trang nghỉ mát Thừa Đức đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, 12 ngôi chùa hoàng gia ở xung quanh sơn trang cũng được đưa vào danh mục này.
Chùa Phổ Ninh là ngôi chùa hoàng gia đầu tiên được xây dựng sau khi xây xong sơn trang nghỉ mát, đã có 250 năm lịch sử. Trong chùa thờ phụng một pho tượng phật bằng gỗ sơn vàng có 42 cánh tay. Tượng cao 22 mét, tỷ lệ cân xứng, tạo hình độc đáo.
Chùa Phổ Đà là ngôi chùa rộng nhất trong số 12 ngôi chùa ở đây, phong cách kiến trúc của nó được phỏng theo cung Potala của Tây Tạng, do đó mới được gọi là cung Potala nhỏ, thời bấy giờ, các vương công quý tộc ở Tây Tạng, Thanh Hải… khi đến yết kiến nhà vua đều nghỉ tại đây. Nằm bên cạnh chùa này là chùa Phúc Thọ được xây phỏng theo chùa Cha sư lun pu của Dư ha chơ Tây Tạng, đây là ngôi hành cung do triều nhà Thanh xây dựng cho Pen Sê đời thứ 6 khi đến yết kiến nhà vua.
Những ngôi chùa chiền này do xây dựng cho các dân tộc khác nhau, cho nên nó cũng có đặc điểm khác nhau. Người đến hành hương, hoạt động chính trị, hay hoạt động tôn giáo, đều có nơi nghỉ ngơi hay nơi tổ chức các hoạt động. Việc xây dựng những chùa chiền này là phù hợp với các dân tộc thiểu số.
Sưu tầm.