Đến tới Shangri-la, cảnh tượng làm bạn ấn tượng là cái nắng trong trẻo, chút gió lạnh, mây, tuyết trắng xóa bao phủ trên đỉnh núi Thạch Ca. Khí hậu thảo nguyên của vùng đất Tạng cũng sản sinh nhiều món ăn thú vị, trong đó có thịt bò Yak. Giống bò đen, lông dài mượt nhưng thịt thơm, chắc, dày mình, dùng chế biến món lẩu bò Yak, rất phù hợp với tiết trời lạnh giá. Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị ăn của người Tạng khá mặn, cay, nhiều dầu mỡ và không thể thiếu hơi rượu để giữ ấm cơ thể.
Điểm đến hấp dẫn nhất của Shangri-la chính là tu viện Shongzalin, kiến trúc khá giống với tu viện Potala, Lhasa, Tây Tạng, nên thường gọi là Potala thu nhỏ. Nằm trên ngọn đồi bao bọc bởi nhà dân, tu viện chia thành nhiều sảnh thờ khác nhau nhưng đều theo cấu trúc đối xứng. Hãy di chuyển trong tu viện theo nguyên tắc từ trái qua phải, thuận chiều kim đồng hồ. Du khách sẽ trầm trồ trước các pho tượng Phật đồ sộ, những tấm phướn rực rỡ đa dạng, kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, trần các sảnh thờ được tô vẽ cầu kỳ theo văn hóa đặc trưng của người Tạng.
Bạn phải tốn ít nhất 3 đến 4 giờ để chiêm ngưỡng được hết nét đẹp tinh túy nhưng chân chất của tu viện này. Trên mái tu viện, du khách dễ dàng bắt gặp hình phù điêu lấp lánh mạ vàng, hai con hươu ở hai bên một bánh xe lớn. Đây được gọi là biểu tượng Bánh xe Dharma (Wheel of Dharma), tượng trưng cho sự hòa hợp trời đất. Con hươu đực bên trái là biểu tượng của đại phúc, con hươu cái bên phải là biểu tượng của hư không.
Một điều lý thú khác, các vị sư trong tu viện sẽ ban phước cho du khách bằng chiếc vòng tay may mắn được khắc chữ và niệm chú “Om mani padme hum" (Án Mani Pát Mê Hồng). Theo Phật giáo Tây Tạng, câu niệm chú này sẽ giúp chủ nhân tai qua nạn khỏi và gặp điều lành khi đeo chiếc vòng trên tay.
Không nổi bật như tu viện Shongzalin, khu phố cổ Shangrila ẩn mình với nét đẹp đằm thắm, mộc mạc, mặc dù hơi thở cuộc sống hiện đại đã mang đến những quán bar sôi động hay nhà hàng Âu hiện đại. Nhà trong phố cổ xây san sát nhau, chủ yếu bằng chất liệu gỗ, cửa sổ, vì kèo được trạm trổ rất cầu kỳ, cổng sân vườn và tường làm từ đất nung.
Để quan sát toàn bộ phố cổ, bạn chỉ cần leo lên ngọn đồi cao, ngôi chùa Đại Phật Tự như ôm gọn cả vùng Shangri-la trong tầm mắt. Bất cứ ai đặt chân lên ngôi chùa này, đểu thử sức quay Pháp chuyển luân kinh khổng lồ theo chiều kim đồng hồ một lần, để cầu nguyện may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Vào buổi tối, ánh đèn thắp sáng lên Pháp chuyển luân kinh khiến cho cả ngôi chùa trở nên lung linh, huyền ảo như thánh địa bất khả xâm phạm của người Tạng.
Bình yên ban ngày nhưng cuộc sống về đêm tại Shangri-la không kém phần sôi động, vui nhộn nhờ các quán bar san sát trong phố cổ. Thật đáng nhớ khi bạn đắm mình trong điệu nhạc réo rắt của người Tạng, say men chén rượu cốc và ngắm nhìn vũ điệu tập thể uyển chuyển, đơn sơ của các cô gái bản địa trên sân khấu.
Ấn tượng chuyến đi về miền đất Shangri-la có thể là rất nhiều, nhưng có lẽ bình an và hạnh phúc như lời nguyện ước từ Chuyển pháp luân kinh là điều tất cả du khách đều muốn gói gém mang về. Shangrila là vùng đất huyền thoại luôn gắn liền với tiểu thuyết “Chân trời đã mất” của nhà văn Anh, James Hilton năm 1933. Dưới ngòi bút miêu tả của James Hilton, cư dân ở Shangri-la có cuộc sống êm đềm hạnh phúc, khuôn mặt không phơi bày tuổi tác và tuổi thọ vượt trội so với trung bình.
Vùng đất huyền thoại được mô tả trùng hợp với vùng đất phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tại đó, nhà thám hiểm của National Geographic,
Joseph Rock từng sống và du lịch trong những năm 20, 30 thế kỷ trước. Thời gian này khá trùng hợp với lúc nhà văn James Hilton viết nên tác phẩm mang dấu ấn cuộc đời ông. Do vậy, vùng đất phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam chính thức được biết đến là
Shangri-la.
Sưu tầm.
Du lịch Trung Quốc, khám phá
thung lũng bất tử Shangri-la với
Happytours.vn